• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Kết quả thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê ... theo chuỗi giá trị”

12/12/2022 08:15:25 GMT+7

Năm 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản phối hợp Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị” tại huyện Krông Năng.

Đắk Lắk là tỉnh có nhiều lợi thế cho sản xuất cà phê. Hiện nay, ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk đã có một vị trị rất quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước và nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2021 đạt 213.336 ha, tổng sản lượng đạt 526.613 tấn . Trong đó, diện tích trồng mới năm 2021 được 4.147 ha. Diện tích cho thu hoạch sản phẩm chiếm khoảng 199.904 ha. Năng suất bình quân đạt 26,34 tạ/ha.

Trong những năm vừa qua, quy mô sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định với thuận lợi là: Nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng; ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến; sự phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao hiện nay đang được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn của Đảng và nhà nước; trình độ người sản xuất cà phê trong tỉnh Đắk Lắk  ngày càng được cải thiện, người dân đang từng bước chuyển đổi hướng canh tác theo hướng an toàn và bền vững hơn. Bên cạnh những thành công về diện tích và sản lượng cây cà phê, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như do tập quán sản xuất lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, bệnh hoá học, đẫn đến tồn dư hoá chất đã làm tổn hại đến uy tín của thương hiệu hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất sinh trưởng phi hữu cơ còn phổ biến và không đúng kỹ thuật dẫn đến tồn dư một số chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản, điều đó làm ảnh hưởng đến đến chất lượng các sản phẩm nông sản cũng như không đáp ứng được một số yêu cầu của một số thị trường khó tính trên thế giới.

Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm đi, trong khi đó áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng lên. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ nên việc sớm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng xu hướng chung của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản tạo động lực trong tổ chức lại và thúc đẩy sản xuất.

Ngày 21/10/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3079/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Tiếp đến ngày 03/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2481/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.Đây là những mục tiêu hết sức thiết thực cho thấy tỉnh đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao của nông sản hàng hóa bền vững, thân thiệt với môi trường.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2021-2022 Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật và Thủy sản phối hợp Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị”.

Kết quả thực hiện dự án:

Triển khai xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, quy mô 10ha với 11 hộ tham gia thuộc 2 xã Phú Lộc và Ea Tóh huyện Krông Năng.

Khảo sát chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện mô hình tại xã Ea Tóh, Phú Lộc  huyện Krông Năng

Trung tâm đã triển khai cấp vật tư, phân bón cho bà con nông dân tại 2 điểm thực hiện mô hình đảm bảo theo tỷ lệ hỗ trợ của dự án. Người dân đã nhận đầy đủ vật tư, phân bón cần thiết cho việc chăm sóc cây cà phê. Hướng dẫn, kiểm tra tiến độ cập nhật các hoạt động sản xuất vào sổ nhật ký nông hộ. Ghi chép đầy đủ việc bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật.

Giao vật tư phân bón, vôi, thuốc BVTV cho các hộ tham gia mô hình

Thiết kế xây dựng và cắm bảng mô hình tại các điểm thực hiện mô hình và tại khu hành chính các xã. Thông qua bảng mô hình, nhằm thông tin đến nhiều người dân biết về mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ để người dân có thể tự liên hệ, tham quan, học tập và nhân rộng. Nhằm tuyên truyền rộng rãi đến người dân sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nông dân sản xuất cà phê trong vùng về dự án sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị.

Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp: Hỗ trợ thành lập, duy trì tổ liên kết sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với 40 thành viên tham gia, trong đó có 11 hộ tham gia mô hình và 29 hộ ngoài mô hình có nhu cầu.Tổ liên kết đã xây dựng và thống nhất quy chế hoạt động, bầu ra được ban điều hành gồm tổ trưởng, tổ phó. Tổ liên kết xây dựng kế hoạch sản xuất và có sự trao đổi chia sẻ thông tin, kiến thức kỹ thuật. Trung tâm đã xúc tiến xây dựng mối liên kết và kết nối với đơn vị HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC là đơn vị tiêu thụ sản phẩm của tổ liên kết. Hai bên đã ký thoả thuận cam kết việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm và ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Các bên ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm

     

Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO tổ chức khảo sát thực địa để cấp tem mã truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm

Hiệu quả của dự án mang lại:

Vườn mô hình sinh trưởng phát triển tốt, cành phát triển nhiều sung túc, chiều dài cành dự trữ dài, số đốt mang quả, số cặp lá ở vườn mô hình nhiều so với đối chứng. Vườn cây thông thoáng, mức độ nhiễm sâu bệnh hại ít hơn và năng suất trung bình vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng từ 110- 190kg nhân/ha. Đồng thời, việc người dân sử dụng và áp dụng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng cà phê được nâng lên và giá bán cũng cao hơn cách sản xuất truyền thống. Giá cà phê nhân liên kết được với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, mua với giá cao hơn so với thị trường  từ 1.500 -2.000đ/kg nhân khô, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

Việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, đầu tư sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng quy trình và định mức kỹ thuật sẽ giảm tác động xấu đến môi trường và tạo an toàn thực phẩm. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sẽ làm tăng thu nhập cho người sản xuất, ổn định thị trường, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê tại địa phương.

Sản phẩm cà phê nhân sau khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đạt chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Lượng hóa chất sử dụng trong mô hình hạn chế, giảm đi rất nhiều, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp lao động trên vườn, tăng “sức khỏe cho đất”, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Hội thảo đầu bờ mô hình

Ngày 06/12/2022, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Krông Năng tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất cà phê theo hương hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị với sự tham gia của 60 đại biểu gồm nông dân tham gia mô hình, nông hộ sản xuất cà phê, đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, TTKN,GCTVN&TS, phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, HTX Nông nghiệp lịch vụ du lịch ROFC, chính quyền tại điạ phương và đài phát thanh truyền hình tỉnh đến tham dự và đưa tin. Tại cuộc hội thảo, mô hình được chính quyền địa phương hưởng ứng tích cực, bà con nông dân đánh giá cao về tính hiệu quả bền vững của mô hình. Tác động đến nhận thức của bà con nông dân trong vùng về việc thay đổi phương pháp canh tác, hướng đến sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất cà phê thông thường, tăng giá trị của cây cà phê góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Thay mặt đơn vị thực hiện dự án, ông Ngô Nhân - Giám đốc TT KN,GCTVN&TS nhận định: Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đi đúng hướng và đúng xu thế phát triển với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay cũng như nhu cầu canh tác của các nông hộ theo chiều hướng hạn chế sử dụng hóa chất, thiên về sử dụng các nguyên liệu tái tạo, tận dụng, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội nên ngày càng được nhiều hộ nông dân quan tâm, tìm hiểu, chia sẻ, học hỏi và từ đó khả năng nhân rộng mô hình ngày càng cao. Mô hình thực hiện đến nay đã mang lại hiệu quả, thay đổi cách thức sản xuất ban đầu của người dân, với khả năng nhân rộng của mô hình tương đối khả quan khi đã triển khai thành lập tổ liên kết và có ký kết với hợp tác bao tiêu sản phẩm của người nông dân khi thực hiện sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Những hộ tham gia trong mô hình đã thay đổi được nhận thức về việc cần thiết khi sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trong thời điểm hiện tại. Việc thay đổi phương thức sản xuất là điều quan trọng để hướng tới nên nông nghiệp sạch đem lại những giá trị to lớn cho tương lai của ngành hàng cà phê nói riêng cũng như ngành nông nghiệp của đất nước./.

Huỳnh Phượng + Hải Anh

TT.Khuyến nông-GCTVN&TS Đắk Lắk

TIN NỔI BẬT