• Tìm chúng tôi trên

Cây Vải Đắk Lắk - Cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững

17/04/2022 08:37:50 GMT+7

Nỗi lo lớn nhất mà người sản xuất vải thiều Đăk Lăk luôn canh cánh khi vào mùa thu hoạch là sự phụ thuộc vào tiểu thương quá lớn. Nếu đến lúc thu hoạch rộ mà chưa có tiểu thương đến mua sản phẩm vải tươi, vải chín dễ bị sâu đục cuống quả tấn công làm giảm chất lượng, rớt giá là điều tất yếu.

Hiện nay, vụ vải thiều Đăk Lăk đang chuẩn bị vào mùa, rải rác một số vườn đã có thu hoạch, bỡi ưu thế của cây vải Đăk Lăk là chín sớm hơn khoảng một tháng so với vụ thu hoạch vải thiều ở các tỉnh phía Bắc. Với chất lượng sản phẩm vải ngon ngọt, phù hợp khẩu vị của khách hàng nên những năm qua nhiều tiểu thương đã tìm đến các vùng sản xuất vải để đặt hàng. Năm này cũng vậy, và theo đó, đối với những vườn vải thiều chín sớm nhất thì được giá cao nhất, thường vào chính vụ khi sản lượng vải nhiều, thì giá bán có thể sẽ giảm hơn. Nỗi lo lớn nhất mà người sản xuất vải thiều Đăk Lăk luôn canh cánh khi vào mùa thu hoạch là sự phụ thuộc vào tiểu thương quá lớn. Nếu đến lúc thu hoạch rộ mà chưa có tiểu thương đến mua sản phẩm vải tươi, vải chín dễ bị sâu đục cuống quả tấn công làm giảm chất lượng, rớt giá là điều tất yếu. Trường hợp này thường rơi vào những hộ sản xuất nhỏ lẻ, chưa được cấp chứng nhận hoặc chưa kết nối với các tiểu thương thu mua có uy tín trong những mùa vụ trước. Vì vậy sản phẩm vải tươi Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững để làm yên lòng người sản xuất.

Một góc diện tích của THT vải Ea Na, huyện Krông Ana

Được biết, Đăk Lăk có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, đặc điểm sinh thái của cây vải lại mẫn cảm với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là nhiệt độ, độ ẩm không khí, lượng mưa, gió...làm ảnh hưởng đến thời gian phân hóa mầm hoa, thụ phấn, hình thành quả non đến khi quả chín. Theo đó vụ vải thiều năm nay có đơn vị năng suất vải ổn định, có vườn năng suất rất cao, nhưng cũng có nơi năng suất giảm đi nhiều so với năm 2021. Thời gian thu hoạch cũng khác nhau giữa một số huyện có diện tích vải sản xuất tập trung. Anh Phạm Hải Nam - Tổ hợp tác (THT) vải Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, hiện tại THT vải bên anh đã có một số ít diện tích cho thu hoạch và bán với giá khá cao (50 nghìn đồng/kg), mang lại thu nhập tốt cho người sản xuất. Ngoài việc sản xuất, anh Nam cũng là người thu gom vải để nhập cho các công ty. Theo anh Nam đối với các vườn sản xuất vải đầu tư tốt, sản phẩm vải tươi có chất lượng, đẹp mẫu mã thì ít lo lắng về đầu ra. Đơn cử như vườn vải thiều 5 ha của anh Phạm Hồng Thao ở thôn Giang Thành, xã Ea Dăh huyện Krông Năng, năm nay anh dự kiến thu được 50 tấn vải tươi (trừ một phần diện tích vải chưa cho thu hoạch), so với năm trước, năng suất có giảm hơn một ít, tuy nhiên vì chất lượng và mẫu mã vải tươi của anh đáp ứng yêu cầu khách hàng nên đã có tiểu thương đặt mua từ trước, tuy nhiên giá bán vẫn chưa chốt, chờ đến khi thu hoạch mới định giá theo thị trường. Theo anh Thao, nếu ổn định đầu ra cho sản phẩm vải thiều, thì đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ước tính nếu vườn vải đang thời kỳ kinh doanh, đầu tư đúng mức, thời tiết thuận lợi, với mật độ 400 cây/ha, mỗi cây thu chừng 50kg đến 60 kg, với giá bán chỉ cần 35 nghìn đồng/kg thì tổng thu lên đến 700 triệu đến 800 triệu/ha, trừ chi phí, lãi thuần vài trăm triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên cũng có những rủi ro do nhiều nguyên nhân tác động trong quá trình sản xuất nên nhiều người không mạnh dạn đầu tư sản xuất. Theo anh Vũ Trọng Luyến, chủ nhân 2 ha vải ở Buôn Hồ cho biết, năm nay năng suất vải tại địa phương anh thấp hơn 20% so với năm trước, do thời kỳ quả non gặp thời tiết lạnh nên quả vải bị sốc nhiệt, rụng rất nhiều. Anh Luyến dự kiến năm nay anh thu hoạch chừng 20 tấn vải, nhưng cũng lo lắng về đầu ra cho sản phẩm vải tươi vì sợ rớt giá vào cuối vụ do sâu đục cuống quả. Trong thời gian tới anh Luyến cho biết sẽ giảm dần diện tích vải để thay thế diện tích sầu riêng mà anh đã trồng xen trong vài năm qua trong vườn vải. Đây cũng là lời giải cho câu hỏi đã đặt ra là “tại sao cây vải đã đưa vào Đăk Lăk 15 năm qua mà diện tích vẫn gói gọn chừng hơn 1.300 ha”.

Anh Phạm Hồng Thao bên vườn vải của mình

Thiết nghĩ, việc “liên kết chuỗi giá trị” đối với cây vải là hoạt động cần thiết trong phát triển nhân rộng diện tích, gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân trong thời gian tới tại địa phương. Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức khảo sát, đánh giá sự thích nghi của cây vải với điều kiện tự nhiên của từng vùng tiểu khí hậu, đất đai, nguồn nước phù hợp, quy hoạch cụ thể. Theo đó, xây dựng các vùng nguyên liệu vải chất lượng có chứng nhận, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng những điều kiện cần thiết, liên kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất bao tiêu đầu ra bền vững./.

Cẩm Lai – Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột

 

TIN NỔI BẬT