• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Tăng cường chăm sóc sầu riêng giai đoạn xổ nhụy- làm quả

19/05/2023 10:57:10 GMT+7

Hiện nay sầu riêng tại Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn xổ nhụy - làm quả, đây là giai đoạn quyết định đến hiệu quả kinh tế của vụ sầu riêng hàng năm. Cùng với thời gian này, Tây Nguyên thời tiết đang chuyển đổi giữa mùa khô và mùa mưa, dễ tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sầu riêng, đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển quả. Theo đó cần tăng cường chăm sóc sầu riêng trong giai này để có một mùa sầu riêng bội thu.

Mặc dù sầu riêng tại Đắk Lắk phần lớn là trồng xen trong vườn cà phê, tuy nhiên những năm gần đây sầu riêng là cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Ngoài mục tiêu gia tăng thu nhập, sầu riêng còn có tác dụng che bóng, vừa góp phần tạo đa dạng sinh học vườn cà phê để phát triển bền vững.

Đắk Lắk, có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, theo đó mùa vụ thu hoạch sầu riêng cũng chênh lệch nhau về thời gian, thường thì thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng thu hoạch tập trung vào tháng 8. Thu hoạch sớm nhất là khu vực sầu riêng huyện Cư Mgar (giữa tháng 7 đến đầu tháng 8) tiếp đến là Krông Păk, rồi đến Krông Năng, Buôn Hồ, Ea Hleo…Riêng thành phố Buôn Ma Thuột thường thời gian thu hoạch từ giữa tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Hiện giờ các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh khẩn trương tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, chú trọng đến các loại cây trồng, đặc biệt quan tâm đến phát triển sầu riêng.

Sầu riêng tại địa bàn huyện Ea Hleo đang giai đoạn làm quả

Ông Hồ Đức Tuấn, cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, cơ quan đang tăng cường tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc sầu riêng theo nhu cầu của cơ sở, đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật tưới nước cho sầu riêng để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt. Việc tưới nước cần dựa theo nhu cầu của cây sầu riêng và độ ẩm đất ở từng vùng canh tác khác nhau. Lượng nước tưới còn tùy theo độ tuổi của cây, mức độ khô hạn và phương pháp tưới. Khoảng cách giữa 2 lần tưới tùy thuộc vào tốc độ thoát hơi nước của đất trồng. Phải thường xuyên tưới đủ nước cho cây sầu riêng, không nên để khô, nếu không tưới đều, vườn sầu riêng gặp mưa đột xuất thì cây sẽ bị sốc nước làm rụng quả non, số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại. Tại Buôn Ma Thuột hầu hết sầu riêng trồng xen trong cà phê nên nông dân khó sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Nếu cung cấp nước bằng phương pháp tưới dí thì đầu tưới nên gắn vòi oroa (loại dùng để tưới rau) và tưới xung quanh từ ngoài tán vào theo nguyên tắc ngoài tán tưới ẩm hơn bên trong sẽ tốt cho cây hơn. Nên tưới nước lúc trời mát như sáng sớm hoặc chiều mát, lúc nhiệt độ không cao để cây nhẹ nhàng hấp thu nước đều đặn, không bị sốc nhiệt. Cần tủ gốc cho cây trong mùa khô bằng rơm hoặc cỏ khô phủ kín một lớp dày ít nhất 10cm, cách gốc 10-50 cm tùy theo cây lớn hay nhỏ để giữ ẩm cho đất. Nếu khi mưa lớn kéo dài cần thiết kế mương, rãnh để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây, vun cao xung quanh gốc, tránh ngập úng nước cho rễ sầu riêng. Sau khi nước rút, cần tiến hành xới nhẹ nhằm phá váng ở lớp đất mặt, giúp đất thông thoáng. Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp kỹ thuật khác như chế độ phân bón hợp lý, tỉa quả, … để cây sầu riêng phát huy năng suất.

Trạm KN TP. BMT tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng

Được biết huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích lớn sầu riêng được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cư Mgar cho biết, riêng xã Ea Ta có đến hơn 800 ha sầu riêng, (là đơn vị có diện tích sầu riêng nhiều nhất của huyện), trong đó khoảng 50% diện tích sầu riêng trồng thuần, 100% số diện tích này đều được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Có hộ sở hữu diện tích sầu riêng trồng thuần hơn 20 ha, hộ sở hữu ít nhất là 5 ha. So với vườn sầu riêng tưới nước truyền thống (tưới dí vào gốc) thì những vườn sầu riêng tưới bằng công nghệ tưới tiết kiệm luôn xanh tốt trong mùa khô, đậu hoa, quả nhiều hơn, ít có hiện tượng sốc nước khi có những trận mưa lớn bất chợt lúc giao mùa, nên năng suất ổn định hơn.

Ông Trương Quốc Phong, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, đối với chăm sóc sầu riêng trong giai đoạn quả non, ngoài biện pháp tưới nước, cần định hình số lượng quả trên cây, bằng cách tỉa bỏ những quả không hữu hiệu qua nhiều đợt để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng không đáng có. Đơn cử như khi quả được 3-4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, quả méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6-8 quả/chùm). Lúc quả được 8 tuần, tỉa bỏ quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3-4 quả/chùm). Khi quả được 10 tuần cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống, chỉ để 2-3 quả/chùm. Tùy theo giống sầu riêng, tuổi của cây, điều kiện đất đai, đầu tư… mà giữ lại trên cây số lượng quả phù hợp nhất. Trong trường hợp đang nuôi quả mà có hiện tượng rụng quả thì tiến hành kiểm tra nguyên nhân để tác động kịp thời, đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

Quả sầu riêng được 8 tuần tuổi được tỉa bớt còn lại 3-4 quả/chùm

Ngoài ra, cần quan tâm cung cấp chế độ dinh dưỡng cho sầu riêng đúng thời kỳ, đúng nhu cầu của cây. Để cây hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, ngoài việc cung cấp phân bón qua gốc nên bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng nhiều đợt để nuôi quả. Tùy theo độ tuổi của cây, số lượng quả cần nuôi trên cây mà cung cấp liều lượng dinh dưỡng hợp lý ở những giai đoạn khác nhau. Bên cạnh đó, thời kỳ phát triển quả sầu riêng tại Đắk Lắk bắt đầu rơi vào mùa mưa, độ ẩm không khí trong vườn cao nên cần quan tâm hơn về hiện tượng sâu bệnh hại phát sinh để có biện pháp tác động kịp thời, có như vậy mới đảm bảo năng suất và chất lượng quả sầu riêng tốt nhất./.

Cẩm Lai

Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột

TIN NỔI BẬT