• Tìm chúng tôi trên

Điển hình phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững tại xã Ea Kmút huyện Ea Kar

16/08/2017 20:57:24 GMT+7

Hiện nay, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc phát triển chăn nuôi phải thay đổi căn bản theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Đó chính là hướng đi của trang trại chăn nuôi heo Văn Thưởng - xã Ea Kmút, huyện Ea Kar.
Được thành lập từ năm 2007 đến nay quy mô của trang trại gồm 100 nái, đực giống 18 con, duy trì 300 heo thịt với nguồn vốn đầu tư gần 4 tỷ. Năm 2004 với quy mô chăn nuôi heo hộ gia đình với hơn  10 nái sau phát triển lên 30 nái vì thấy có lợi nhuận gia đình bắt đầu phát triển đàn heo, mở rộng quy mô và hình thành trang trại với mục tiêu gia tăng lợi nhuận. 
Điểm nổi bật trong mô hình chăn nuôi của trang trại phải kể đến đó là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi tại trang trại. Vốn ham học hỏi và tìm tòi, ông Thưởng bộc bạch: “Trong những giai đoạn chăn nuôi gặp khó khăn về dịch bệnh, giá cả, ông đã quyết tâm tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Từ nền tảng kỹ thuật chăn nuôi truyền thống, ông quyết định phải chuyển sang một phương pháp hoàn toàn mới để có thể giảm chi phí đầu vào, đảm bảo ổn định chất lượng đầu ra giúp tăng lợi nhuận”. Bằng việc  áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đưa con giống chất lượng cao, thức ăn công nghiệp… vào sản xuất nên đã giảm thời gian nuôi, tăng số lứa/năm, do vậy sản lượng thịt luôn luôn tăng qua các năm. Hiện nay, trang trại có 18 con heo đực giống (chủ yếu giống Đu Rốc nguồn gốc Đài Loan và giống Landrace, Yorshire nguồn gốc Đan Mạch) để khai thác tinh, hàng tháng cung cấp ra thị  trường từ 1000 – 1500 liều tinh, ngoài ra trang trại nhập các con đực giống và cái giống thuần  để tạo ra những con giống cung cấp cho thị trường, hàng năm cung cấp được 100 heo đực giống. 
 
 
 
Các đoàn tham quan trại heo Văn Thưởng
Trang trại hiện nay đã được nâng cấp nhiều và ngày  một trở nên hiện đại hơn, với hệ thống chuồng kín có quạt thông gió phía cuối và giàn làm mát đầu chuồng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đàn heo nái phát triển. Đặc biệt để phục vụ tốt cho công tác quản lý đàn heo, trang trại được chia khu riêng biệt: nái mang bầu, nái đẻ, heo thịt  tiện cho việc theo dõi sức khỏe, phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng loại heo, thuận tiện trong việc chăm sóc và đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Hệ thống chuồng trại nuôi tiên tiến theo hướng công nghiệp: sử dụng khung sắt và chuồng sàn thuận tiện cho việc vệ sinh, chăm sóc, thoáng mát và sạch sẽ, có hệ thống máng ăn, vòi uống tự động và máy phối trộn thức ăn giúp giảm được nhiều công lao động. Ngoài ra, với bản tính tìm tòi ham học hỏi, và qua các kết quả nghiên cứa khoa học, ông Thưởng biết được rằng heo nái đang trong giai đoạn cho con bú, nếu được cho nghe nhạc lượng sữa sẽ nhiều hơn, trong khi đó, đối với heo hậu bì sẽ cho giống tốt và tỷ lệ đậu thai cao, chính vì vậy  trong chuồng heo nái ông đã bố trí hệ thống loa đài để mở nhạc giúp đàn heo nái phát triển ổn định.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi heo, ông Thưởng cho biết, vấn đề khó giải quyết nhất của người chăn nuôi là việc xử lý chất thải, nếu không quản lý tốt thì việc phát triển số lượng tổng đàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Do vậy, người nuôi cần đầu tư hệ thống xử lý chất thải quy củ mới mong phát triển bền vững. Chính vì vậy trang trại đã sử dụng chế phẩm EM trộn vào thức ăn hoặc pha vào nước cho uống giúp giảm mùi hôi của chất thải; đối với phân khô được hốt vào  bao và sử dụng men để ủ làm phân và bán ra thị trường; phân lỏng và nước thải được rửa sạch, cho vào hầm Biogas xử lý và sử dụng nước thải để tưới cho cây trồng.
Ngoài việc quan tâm đến vệ sinh môi trường khu chăn nuôi, trang trại luôn đặt mục tiêu an toàn dịch lên hàng đầu, cách ly riêng khu sinh hoạt và khu chuồng nuôi; hạn chế người ra vào khu vực chăn  nuôi; người bên ngoài muốn ra vào trại phải sử dụng bảo hộ lao động trong trại, có khu xuất heo riêng. Heo được tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vac xin, khu vực chuồng trại được phun thuốc khử trùng định kỳ tuần 1 lần, heo bị bệnh cho vào khu cách ly riêng để điều trị, nếu heo chết thì tiêu hủy bằng cách chôn và rải vôi vì vậy nhiều năm liền trang trại đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch. 
Ông Thưởng tâm sự trong tình hình giá heo xuống thấp như hiện nay, để giảm giá thành trong chăn nuôi  heo, trang trại vẫn phải duy trì sản xuất nhưng giảm bớt những heo nái và đực giống chất lượng thấp và tập trung vào phát triển heo giống để cung cấp ra thị trường. Thức ăn lấy trực tiếp của công ty không qua trung gian nên giảm được giá thành thức ăn, heo đực giống khai thác ít chế độ cho ăn giảm hơn so với bình thường. Vẫn không nản chí và với cái tâm gắn bó với nghề, trong thời gian tới trang trại vẫn tiếp tục sản xuất heo thịt, heo đực giống, tinh heo và heo nái hậu bị nhưng đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, hiện trang trại đang nhập các giống heo ông bà nguồn gốc từ nước ngoài  để tiến hành lai tạo giống để tạo ra những con giống mang được đặc điểm của giống. 
Phát triển chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững là vấn đề cấp thiết trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện tốt được vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng  với các chính sách hỗ  trợ cho trang trại phát triển. Có như vậy mới có thể thực hiện thắng lợi định hướng phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt để chúng ta thực sự có một ngành chăn nuôi hàng hóa tiên tiến và vững mạnh
Hoàng Liên
 
 

 

TIN NỔI BẬT