• Tìm chúng tôi trên

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP PHÒNG TRỪ BỆNH KHẢM LÁ SẮN TẠI HUYỆN BUÔN ĐÔN- ĐẮK LẮK

15/11/2019 08:00:32 GMT+7

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sắn đứng thứ 2 ở Tây Nguyên chỉ sau Gia Lai với hơn 38.700ha. Tuy nhiên từ tháng 4/2018, bệnh khảm lá sắn do virus gây hại nặng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện hơn 1.300ha sắn trên địa bàn tỉnh bị bệnh khảm lá, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá tập trung ở các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Súp.

Buôn Đôn là huyện sản xuất sắn trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Năm 2018 diện tích sắn toàn huyện là 1.916 ha, năng suất trung bình đạt 19,20 tấn/ha.

Để chủ động phòng trừ bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã được Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn giao chủ trì Dự án Khuyến Nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm”. Dự án sẽ phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai trong 3 năm từ 2019-2021 tại các vùng trồng sắn chính của tỉnh với tổng diện tích mô hình 50 ha.

Năm 2019 Dự án đã triển khai từ tháng 5 “Mô hình thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại huyện Buôn Đôn” tại xã Krông Na của huyện Buôn Đôn, trên quy mô 10 ha với 10 hộ dân tham gia. Nội dung mô hình gồm sử dụng nguồn giống sạch bệnh và áp dụng quy trình thâm canh và quản lý tổng hợp trên ruộng sắn của nông hộ.

  • Giống sắn trồng trong mô hình là giống KM140 sạch bệnh do Trung tâm Hưng Lộc cung cấp.
  • Trước khi trồng hom sắn được xử lý bằng thuốc hóa học Gaucho 600FS để tăng sức nẩy mầm và xua đuổi một số đối tượng gây hại ở giai đoạn đầu như kiến, mối, rệp, bọ phấn…
  • Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây sắn được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên, nếu xuất hiện cây có triệu chứng của bệnh khảm lá thì nhổ bỏ, tiêu hủy đồng thời phun thuốc Oshin 20WP định kỳ trừ bọ phấn trắng để tránh lây lan sang cây khỏe.
  • Bón phân cân đối đặc biệt chú ý hàm lượng đạm hợp lý để tăng sức sinh trưởng ngay từ ban đầu cho sắn.

Ngoài cung cấp 50% giống, phân bón và thuốc BVTV cho mô hình, Trung tâm Hưng Lộc còn kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân trong và ngoài mô hình, giúp nông dân nắm chắc được quy trình kỹ thuật thâm canh sắn; kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đặc biệt là bệnh khảm lá sắn do virus gây hại, các biện pháp tiêu hủy khi cây bị bệnh; cách bảo quản giống sắn sau thu hoạch.

Cán bộ kỹ thuật thăm và kiểm tra mô hình 3 tháng sau trồng

Qua kiểm tra mô hình ở thời điểm 3 tháng sau trồng cho thấy cây sắn trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, chưa thấy xuất hiện bệnh khảm lá. Các hộ dân hiểu rõ tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của bệnh khảm lá đối với sản xuất cây sắn, tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật đã đề ra để hạn chế tối đa ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn.

Ở thời điểm 6 tháng sau trồng, các ruộng sắn trong mô hình chỉ xuất hiện lác đác bệnh khảm lá sắn với tỷ lệ 5-10%. Trong khi đó các ruộng sắn trồng xung quanh mô hình đã nhiễm bệnh khảm lá sắn tới 60 - 70%. Dự kiến năng suất củ tươi đến thời điểm thu hoạch đạt 32-35 tấn/ha.

Đoàn TTKN Quốc gia, TT Hưng Lộc và TTKN tỉnh Đắk Lắk thăm và kiểm tra mô hình 6 tháng sau trồng

Mô hình thành công sẽ giới thiệu và nhân rộng quy trình kỹ thuật thâm canh sắn, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh. Đồng thời góp phần ổn định sản xuất, hướng tới sản xuất cung cấp nguyên liệu bền vững cho các nhà máy chế biến.  

Nguyễn Nhung - TTNCTN Nông nghiệp Hưng Lộc

 

TIN NỔI BẬT