• Tìm chúng tôi trên

Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc: Khởi đầu hành trình chuyên nghiệp, minh bạch

19/09/2022 08:09:00 GMT+7

'Đi cùng nhau' cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam.

LTS: Tại lễ Công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc diễn ra huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) vào chiều 17/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia vui với người dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời gửi gắm nhiều thông điệp quan trọng để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những thông điệp của Bộ trưởng. Tựa trong bài do tòa soạn đặt.

Vui, tự hào nhưng vẫn ngổn ngang bao câu hỏi

Tôi xin bắt đầu phần chia sẻ của mình bằng một cách dẫn giải vui, từ lời bài hát “Sầu riêng Krông Păk” chúng ta vừa nghe: “Sầu riêng, sầu đâu có riêng”. Đúng vậy, tên gọi là “sầu riêng”, nhưng ngày hôm nay, không phải “riêng” ai phải “sầu”“Sầu riêng” lại mang đến niềm vui chung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Tại lễ Công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Đón mừng sự kiện những lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật vừa được ký kết vào ngày 11/07/2022 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi lời chúc mừng và chia sẻ niềm hân hoan với các địa phương, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trên cả nước.

Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Sự kiện tại Đắk Lắk hôm nay ghi dấu những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, hiện diện trên các kệ hàng, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới.

Sự kiện là niềm vui, niềm tự hào chung của những người dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác.

Cắt băng xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá. Trong không khí nô nức, phấn khởi, vẫn còn đấy ngổn ngang bao câu hỏi:

- Sau sự kiện hôm nay, rồi sao nữa?

- Sầu riêng không phải là loại trái cây đầu tiên của chúng ta được xuất sang thị trường Trung Quốc, từ các loại trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch trước đây, ta rút ra được điều gì để làm tốt hơn?

- Chúng ta còn nhớ hay đã quên, thông tin về một số loại trái cây đủ điều kiện xuất khẩu từng lên giá rất cao, rồi mất giá đột ngột, do nguồn cung tăng đột biến vẫn còn nguyên tính thời sự? Yêu cầu về việc phối hợp, trao đổi thông tin để điều tiết sản lượng, phân phối vùng trồng phù hợp, tránh trường hợp chạy theo sản lượng, mà mất giá, giảm chất lượng, cạnh tranh thiếu lành mạnh lại trở nên cấp thiết?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp

- Mong đợi của người nông dân, hộ dân trồng sầu riêng trước thông tin đáng phấn khởi này là gì? Doanh nghiệp đặt ra những kỳ vọng gì?

- Phải chăng theo những chuyến hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc, là niềm tin và hi vọng của người nông dân, là trông đợi và kỳ vọng doanh nghiệp và các bên liên quan, là nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm chung tay xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, cùng các nông sản Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế?

- So với sầu riêng các nước trong khu vực đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trái sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỉ dân lần này có điểm gì khác biệt?

- Ngành sầu riêng các nước trong khu vực có phải đang quan sát từng diễn biến của ngành sầu riêng Việt Nam hay không? Nếu thế, đây không chỉ là câu chuyện của trái sầu riêng, của ngành hàng sầu riêng, mà còn là hình ảnh, uy tín và thương hiệu của ngành nông nghiệp Việt Nam?

- Các khâu, mắt xích trong chuỗi ngành hàng sầu riêng đã được chuẩn hoá và hoàn thiện hay chưa, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương, xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam hay chưa?

- Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra, nhưng vẫn luôn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu, nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm?

- Các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng, các cơ quan quản lý liệu có mong muốn và sẵn lòng tham gia tạo dựng Hiệp hội ngành hàng sầu riêng xuất khẩu bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả và thực chất hay không?

Cùng những câu hỏi còn đau đáu, cùng những thông tin tích cực, kết quả hứa hẹn, tôi cũng nhận được một số phản hồi đa chiều, có tính đóng góp, xây dựng, bày tỏ sự lo lắng, quan ngại về các bước chuẩn bị, triển khai cụ thể.

Tư duy “đi cùng nhau” là yêu cầu bắt buộc

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan.

Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất.

Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, tư duy “đi cùng nhau” là yêu cầu bắt buộc. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác

Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

“Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam. Thương hiệu được tạo dựng từ niềm tin của người tiêu dùng, và niềm tin ấy phải được kiểm nghiệm xuyên suốt thời gian dài. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Nhiều nông dân, doanh nghiệp thành công nhờ biết giữ trọn chữ “tín” trong sản xuất, kinh doanh, biết chia sẻ rủi ro, biết bỏ qua sự thiệt hơn mang tính thời điểm, ngắn hạn. Chúng ta hãy nhắc nhau rằng: “những điều mình không thích, không muốn ngườin khác làm với mình, thì đừng làm với người khác”. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đừng để “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài. Vậy, muốn “đi cùng nhau”, trước hết phải “ngồi cùng nhau” trong một hệ sinh thái ngành hàng, từ cấp độ địa phương đến liên vùng.

Trong hệ sinh thái đó, mọi người - từ nông dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan chuyên ngành, cùng chia sẻ cho nhau thông tin thị trường, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong sản xuất, kinh doanh. Trong hệ sinh thái đó, mọi người bàn bạc, đau đáu về cách thức tạo dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới.

Thương mại nông sản, hay xuất khẩu nông sản, suy cho cùng, không chỉ là câu chuyện buôn bán đơn thuần. Mỗi trái cây bày bán trên kệ hàng ở những siêu thị ở các quốc gia láng giềng hay các đất nước xa xôi không chỉ dừng lại ở giá cả, hay vị ngon ngọt nhiệt đới, mà còn là khát vọng vươn xa, tự tin tiếp cận, hiện diện ở thị trường toàn cầu.

Chúng ta cần nhắc nhau rằng, kinh doanh không chỉ là chuyện bán chuyện mua sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất, cũng đồng thời là người bán, trước hết, phải trân quý, nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra, thì người mua - người tiêu dùng cũng sẽ trân quý và sẵn lòng đón nhận với mức giá tương xứng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày 17/9

Thương hiệu sầu riêng, hay bất kỳ ngành hàng nông sản nào khác, bắt đầu được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình như vậy. “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là giá trị xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam đến với thị trường gần xa.

Trước đây là xoài, là chanh leo, hôm nay là sầu riêng, và mai này còn bao loại trái cây đặc sản khác. Cơ hội đối với trái sầu riêng tươi tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới.

“Ăn trái nhớ ơn người trồng cây - người trồng cây nhớ ơn người gây giống”. Tại sự kiện hôm nay, chúng ta cùng nhớ về và bày tỏ lòng tri ân đối với doanh nhân Nguyễn Phú Cường - người tâm huyết, dày công tạo dựng thương hiệu sầu riêng Dona tại Việt Nam - người vừa qua đời khi dự Lễ hội Sầu riêng cách đây ít ngày.

Chúng ta vững vàng niềm tin: “Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.

Nguồn báo Nông nghiệp Việt Nam

 

TIN NỔI BẬT