• Tìm chúng tôi trên

Cây ăn trái định hình thế mạnh mới của nông nghiệp Đắk Lắk

07/01/2018 21:25:36 GMT+7

Cây ăn trái Đắk Lắk đảm bảo cả giá trị kinh tế và khả năng thích nghi với tình hình khí hậu biến đổi, đem lại thu nhập cao

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc năm 2017, bước vào năm 2018 với những thiệt hại nặng nề, do cả tình trạng biến đổi khí hậu và thị trường không thuận lợi tạo nên.

Hai loại cây chủ lực là cà phê và hồ tiêu không thể đáp ứng được kỳ vọng kinh tế của người dân, khi vừa phải đối mặt với biến động bất lợi của thị trường, vừa bị thiệt hại nặng bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, cây ăn trái Đắk Lắk đang nổi lên như một thế mạnh mới, đảm bảo cả giá trị kinh tế và khả năng thích nghi với tình hình khí hậu biến đổi, đem lại thu nhập thỏa đáng cho nông dân.

Chúng tôi gặp anh Bành Việt Tùng một nông dân đến từ xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar trong buổi gặp gỡ những nông dân tỷ phú do Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk. Buổi gặp gỡ nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và đóng góp chính sách để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. Khác với những nông dân trên vùng đất Đắk Lắk, anh Tùng không chọn cà phê hay hồ tiêu để phát triển kinh tế gia đình mà anh chọn cây ăn quả làm hướng đi.

Vùng đất Đắk Lắk và các tỉnh lân cận có rất nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao

Sau gần 9 năm trồng và chăm sóc, đến nay gia đình anh đã sở hữu khu vườn chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 3 ha: gồm 500 cây bơ các loại, gần 100 cây sầu riêng tất cả đang ở giai đoạn kinh doanh. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư, vườn cây ăn quả của gia đình anh Tùng cho thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng cao gấp 3,5 lần so với trồng cà phê trước đây.
“Vùng đất ở đây được khẳng định rất thích hợp để phát triển cà phê, hồ tiêu nhưng gia đình chọn trồng cây ăn quả. Sau nhiều năm, loay hoay chuyển đổi sang trồng bơ và sầu riêng đã thành công, vì hiệu quả kinh tế 2 loại cây này mang lại cho tôi lớn hơn 3 lần so trồng cà phê. Trồng bơ, sầu riêng vất vả thời gian đầu, khi đi vào giai đoạn kinh doanh thì đỡ công chăm sóc hơn cà phê và hồ tiêu nhiều”, anh Tùng chô biết.

Hơn ai hết cảm nhận được giá trị cây ăn trái đang mang lại cho các địa phương ở Đắk Lắk là các doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên, huyện Krông Pách, cho biết, sau 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, công ty đã liên kết với bà con nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên trồng hơn 1.000 ha bơ, 80% diện tích này đã cho thu hoạch. Năm 2017, công ty xuất gần 10.000 tấn bơ các loại cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Hong Kong, Thụy Điển, Trung Quốc, Ả Rập …

Ông Trần Minh Hải nhận định, trái cây Đak Lak rất có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trái bơ, có triển vọng rất lớn cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu:

“Riêng nhu cầu nội địa hiện nay một năm đã là 80.000 tấn và thị trường bơ các năm tới cực kỳ triển vọng về đầu ra bao gồm thị trường châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á lân cận Việt Nam tiêu thụ bơ rất tốt”, ông Hải cho biết.

Theo TS. Trương Hồng, Viện trưởng, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vùng đất Đắk Lắk và các tỉnh lân cận có rất nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Đất đai ở Tây Nguyên rất phù hợp với một số loại cây ăn quả và thực tế đã chứng minh rằng nhiều mô hình trồng loại cây này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Như bơ người nông dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ ha/năm. Điều này không chỉ chứng minh về mặt khoa học mà về mặt thực tiễn. Một vấn đề khác là ở vùng Tây Nguyên có một số nơi rất hợp cho trồng cây có múi ví dụ như bưởi,quýt ở Đắk Lắk có huyện Ea Kar, Ea Sup, Buôn Đôn rất tốt không thua gì các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong tương lai Tây Nguyên có thể phát triển cây ăn quả thành thế mạnh chủ lực của Việt Nam”, TS. Trương Hồng cho biết.

Theo đà tăng của giá trị kinh tế thu được, diện tích các loại cây ăn trái ở Đắk Lắk cũng tăng rất nhanh chóng, với hàng chục nghìn ha sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh kể từ 2018. Điều đó có nghĩa là, sản lượng trái cây ở Đắk Lắk sẽ tăng rất nhanh trong vài năm tới. Nếu chính quyền và các doanh nghiệp giải quyết tốt công tác thị trường, sẵn sàng về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, cây ăn trái sẽ thực sự trở thành một trụ cột nông nghiệp mới của Đắk Lắk cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su…tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế./. (theoVov.vn)

 

 

TIN NỔI BẬT