• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Triển vọng mô hình nuôi trồng nấm mối đen

11/04/2023 10:43:10 GMT+7

Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xerula radicata) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” đã được Hội đồng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu thành công, đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu, sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp… nhằm khai thác những tiềm năng và lợi thế của địa phương để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng nấm. Hiện nay, nấm được biết đến là loài giàu dinh dưỡng, một số loại được sử dụng làm dược phẩm trong y học, chế biến làm thực phẩm hàng ngày cho con người với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú. Do vậy, việc nuôi trồng nấm đang tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Trong thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm được xây dựng với sự đa dạng về phương thức và quy mô sản xuất (hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã) đã phát triển thành công bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường qua đó góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong nông nghiệp.

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng nấm mối đen ngày càng cao của người tiêu dùng, vừa qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xerula radicata) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Đề tài) ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu, nhân rộng triên địa bàn toàn tỉnh.

Nấm mối đen (nấm rễ dài) có tên khoa học là Xerula radicata, tên đồng nghĩa là Oudemansiella radicata, thuộc chi Xerula, họ Physalacriaceae. Nấm mối đen được tác giả người Trung Quốc nghiên cứu và đăng kí bản quyền năm 2010 và đặt tên là Black Termitomyces Heim. Nấm mối đen có đặc điểm của nấm trưởng thành dài khoảng 10-15cm, bán kính thân nấm 0.5-1.5cm, lớp ngoài đen, thịt trắng, nấm mối đen là loại nấm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nó chứa đầy đủ các axit amin không thay thế và khoáng chất với hàm lượng cao. Nấm mối đen được nhiều người biết đến như một món ăn thượng hạng và có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt gà, nấm mối dùng để chế biến nhiều món ăn có tác dụng bồi bổ, trị một số bệnh như suy nhược, mệt mỏi…Vai trò của nấm mối ngày càng được khai thác, mới đây loài nấm mối Termitomyces clypeatus được đánh giá là một loại nấm ăn có giá trị chữa bệnh và tham gia sản xuất các enzym quan trọng trong công nghiệp. Hiện nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên đang ngày càng phổ biến, các loại dược liệu không chỉ được tách chiết từ thực vật, lên men vi sinh vật mà hoạt chất sinh học được tách chiết từ nấm đang được giới khoa học quan tâm.

Đề tài được xây dựng với quy mô 100m2 (tương đương 6.400 bịch phôi/02 điểm mô hình) với 2 hộ tham gia tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc. Nuôi trồng Nấm mối đen thực hiện theo quy trình kỹ thuật khép kín trong nhà trồng nhưng cần thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của nấm (nuôi tơ, kích nấm) đảm bảo các điều kiện như: nhiệt độ bên trong nhà trồng từ 23- 25oC (sử dụng máy lạnh); độ ẩm ở mức 90% - 92% (sử dụng máy tạo ẩm bằng sóng siêu âm); có hệ thống quạt đối lưu (đẩy và hút không khí ra vào); cường độ ánh sáng từ 350 Lux tới 450 Lux; có hệ thống kệ để phôi nấm; nền phải láng xi măng hoặc lát gạch đảm bảo sạch sẽ; cách thức xử lý côn trùng, nấm bệnh bằng phương thức sinh học…

Mô hình Nấm mối đen tại huyện Krông Pắc 

Nấm mối đen có phương pháp chăm sóc khác so với các loại nấm khác sau thời gian nuôi tơ tạo quả thể từ 20-22 ngày thì có thể thu được nấm, thời gian thu hoạch kéo dài liên tục từ 160-180 ngày, thu 2 lần/ ngày. Kết quả sau 6 tháng triển khai, từ 02 mô hình của 02 hộ nông dân đã thu được 1.275 kg nấm mối tươi với mức giá từ 100.000 -180.000 đ/kg thì tổng tiền thu được hơn 207 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận là 73.260.000 đồng/2 mô hình. Trên thực tế có thể trồng 9.000-10.000 bịch mỗi vụ/100m2. Như vậy, mức trồng khoảng 10.000 bịch nấm, với năng suất dự kiến 0,2g/bịch phôi và với giá bao tiêu của đơn vị cung ứng giống sau khi trừ đi tất cả các chi phí có thể thu được 100.000.000 đồng/vụ. Qua thời gian thực hiện Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xerula radicata) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” cho thấy cả 02 mô hình đều phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình Nấm mối đen

Từ thành công bước đầu của Đề tài đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nấm mối đen phù hợp với điều kiện tỉnh Đắk Lắk. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng nấm mối đen, có nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đến tham quan học tập, hiện nay đã triển khai nhân rộng thêm 01 mô hình với diện tích 100m2 (10.000 bịch phôi) và đang trong thời kỳ thu hoạch nấm, một số huyện trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu xây dựng mô hình trên địa bàn. Mô hình nuôi trồng nấm mối đen có nhiều triển vọng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đa dạng hóa sản phẩm nấm trên thị trường, giải quyết được lao động nhàn rỗi, tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, vừa mang tính đột phá, có thêm lựa chọn mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân, qua đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, có khả năng ứng dụng nhân rộng theo định hướng liên kết chuỗi, không những tạo ra loại thực phẩm có giá trị cao mà phế phẩm sau khi thu hoạch nấm chuyển sang làm phân bón hữu cơ tạo thêm độ phì cao cho đất góp phần bảo vệ môi trường sinh thái./.

                          Cao Phúc

                                                           Trung tâm Khuyến nông - GCTVN&Thủy sản

 

TIN NỔI BẬT