• Tìm chúng tôi trên

Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

30/12/2013 19:14:29 GMT+7

Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dự kiến chương trình ứng dụng trong thời gian tới

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG TRONG THỜI GIAN TỚI

      I/ Tìm  hiểu  việc phát triển  nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới

            Nhằm thúc đẩy kinh tế & phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu…. phục vụ cho đời sống xã hội. Trên thế giới từ những năm giữa thế kỷ XX, tại các nước phát triển đã xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; Ví dụ như: Hoa  kỳ Đầu những năm 80 đã có hơn 100 khu khoa học nông nghiệp công nghệ. Ở Anh đến năm 1988 đã có 38 khu vườn khoa học công nghệ với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp. Phần Lan  năm 1996 đã có 9 khu khoa học nông nghiệp công nghệ cao….

            Tại Châu Á, nông nghiệp công nghệ cao đã được các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan thực hiện… tiêu  biểu là tại Trung Quốc vào những năm 1990 đã  xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Những khu này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Trung Quốc. Hiện nay họ đã có 405 khu NNCNC, trong đó có 1 khu NNCNC cấp quốc gia, 42 khu cấp tỉnh và 362 khu cấp thành phố.     

             Phần lớn các khu khoa học nông nghiệp công nghệ cao đều phân bố tại nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu để nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới và kết hợp với kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp để hình thành nên một khu khoa học với các chức năng cả nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ.

       Như vậy:  

          * Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là gì ?

         Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng Nông nghiệp công nghệ cao  “ Là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất,bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất),  tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ “.

           * Chức năng của Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là gì ?

       Theo ý kiến của các nhà khoa học  trong nước và quốc tế  cho rằng :

            * Trên thế giới các khu nông nghiệp công nghệ cao trong quá  trình hình thành và phát triển đã  thể hiện 5 chức năng lớn:

           - Một là khu trình diễn, vườn thực nghiệm nông nghiệp hiện đại hóa, là vườn ươm xí nghiệp chuyển hóa thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ thành sức sản xuất, là nguồn lan tỏa công nghệ cao mới.

           - Hai là  Khu trung tâm ứng dụng mở rộng, trung tâm phục vụ, trung  tâm tập huấn các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, công nghiệp, thị trường có hàm lượng khoa học công nghệ tương đối cao.

           - Ba là   Có thể thu hút một khối lượng sức lao động lớn của nông thôn, làm cho nông thôn thành thị hóa, nông dân được công nhân hóa.

           - Bốn là  Thích ứng hóa với chức năng kinh doanh để các lĩnh vực từ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng chế biến, khoa học công nghiệp, thương mại, sản xuất, cung ứng tiêu thụ được thống nhất. Làm cho sản xuất nông nghiệp thực hiện được khoa học hóa, thâm canh hóa và trở thành đầu tàu của việc phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.

           - Năm là  Góp phần nâng cao năng lực của người nông dân, trang bị và làm cho họ có được những tri thức khoa học.

       *  Sản xuất tại các khu  nông nghiệp công nghệ cao đạt năng suất cao kỷ lục

            Ví dụ : - Tại Ixarel năng suất cà chua đạt 250 – 300 tấn/ha, bưởi đạt 100 – 150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra 1 giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 120.000 –150.000 USD/ha/năm.

                         - Trung Quốc đạt giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 40 – 50.000 USD/ha/năm. Tăng gấp 40 – 50 lần so với các mô hình trước đó.

                  Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sự phát triển các khu NNCNC đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp tri thức thế kỷ XXI.

      * Những  ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây trồng trên thế giới

             + Trong lĩnh vực công nghệ sinh học

             Công nghệ sinh học đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển về mặt năng suất và chất lượng cây trồng. Trong lĩnh vực giống cây trồng là việc tạo ra các giống cây trồng biến đổi gene với các đặc tính kháng được thuốc trừ cỏ, kháng sâu bệnh.

           Diện tích cây trồng biến đổi gene (GMC) trên thế giới liên tục tăng hàng năm. Năm 2005  có 90 triệu ha. Trong đó đậu nành chuyển gien là loại cây trồng có diện tích gieo trồng lớn nhất với 54,4 triệu ha (chiếm 60% diện tích GMC), tiếp đến là ngô (với diện tích trồng là 21,2 triệu ha chiếm 24%), bông (với diện tích 9,8 triệu ha, chiếm 11%) và cải dầu canola (với 4,6 triệu ha, chiếm 5%). Năm 2010 có 148 triệu ha. Trong đó đậu nành chiếm 73,3 triệu ha, ngô 46,8 triệu ha, bông với diện tích 9,8 triệu ha.

           Đến nay trên thế giới đã có 29 quốc gia đã trồng cây biến đổi gene, EU có 08 nước (Tây ban Nha, Bồ đào Nha,Tiệp khắc, Ba Lan, Rumani, Đức, Slovakia, Anh); Châu á có 04 nước (Trung quốc, Ấn Độ, Philippines, Myanmar…

            Hoa Kỳ, Argentina, Brazil, Canada và Trung Quốc là những nước trồng cây công nghệ sinh học với diện tích lớn trên thế giới. (Hoa Kỳ là 49,8 triệu ha chiếm 55% diện tích trồng cây chuyển gen trên toàn cầu), trong đó khoảng 20 % là các sản phẩm gien xếp chồng (stacked gene) có chứa hai hoặc ba gien, cây ngô ở Hoa Kỳ là sản phẩm mang ba gien lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.

          Hiện nay các sản phẩm mang từ hai gien trở lên hiện đã được triển khai ở  Hoa Kỳ,  Canada, Australia, Mexico, Nam Phi và  Philippines. 

         Ngoài 29 nước trồng cây biến đổi gene, trên thế giới còn có 30 nước khác chấp nhận cây trồng biến đổi gene như nguồn thực phẩm chính cho người và vật nuôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học quốc tế vẫn chưa thống nhất được có nên phát triển (GMC) hay không ? bởi vì ngoài những lợi ích về gia tăng năng suất, sản lượng,  khả năng kháng sâu bệnh cao,  chống chịu ngoại cảnh bất lợi ….thì những nguy cơ rủi ro tiềm tàng  đối với sức khỏe con người, động vật, đa dạng sinh học đã làm cho nhiều quốc gia phải cân nhắc và thận trọng trong phát triển cây trồng biến đổi gene.

             + Công nghệ nuôi cấy mô thực vật Invitro

      Trong nhân giống Công nghệ nuôi cấy mô thực vật Invitro là phương pháp nhân giống thực vật đã được ứng dụng khá lâu, đã đem lại hiệu quả cao trong nhân giống nhiều lọai cây trồng nông nghiệp.

        Đây là kỹ thuật tiên tiến với các ưu thế vì tính khả thi lớn, có thể công nghiệp hóa cao trong việc nhân giống để có số lượng lớn cây giống với độ đồng đều cao. Công nghệ nuôi cấy mô được hơn 600 công ty lớn trên thế giới áp dụng để nhân nhanh hàng trăm triệu cây giống sạch bệnh. Thị trường cây giống nhân bằng kỹ thuật cấy mô đạt (15 tỷ USD /năm và tốc độ tăng trưởng là 15%/năm).

        Trong lĩnh vực cây trồng, người ta đã ứng dụng sinh học phân tử trong việc lập bản đồ gene cho nhiều lọai cây trồng, sử dụng kỹ thuật ELISA, PCR trong việc chẩn đoán và giám định bệnh virus cho cây. Cho tới nay, nhiều lọai bệnh trên cây trồng đã được giám định và chẩn đóan nhanh nhờ các bộ kít thử.

         Đối với cây ăn quả, việc sử dụng công nghệ tế bào để tạo giống cây ăn quả không hạt, chất lượng cao thông qua cây nhũ tam bội ; sử dụng kỹ thuật vi ghép để tạo nguồn vật liệu ban đầu sạch bệnh phục vụ công tác lai tạo giống; sử dụng phương pháp Bioreactor để nhân sinh khối …

       + Công nghệ cao trong canh tác và điều khiển cây trồng thể hiện như sau:

                * Công nghệ trồng cây trong nhà kính

               Được gọi là nhà màng do việc sử dụng mái lớp bằng màng poly ethylen thay thế cho kính (green house) hay nhà lưới (net house).

               Trên thế giới, công nghệ trồng cây trong nhà kính đã được hòan thiện với trình độ cao để canh tác rau và hoa. Các nhà kính với hệ thống điều khiển tự động khá hiện đại được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia như Hà Lan, Pháp, Bỉ, Israel  đã sản xuất lượng lớn hoa và rau phục vụ cho xuất khẩu.

              Trong các nhà kính này, các khâu trong quy trình trồng trọt đều được điều khiển tự động theo lập trình sẵn trong máy vi tính như: chế độ chiếu sáng, nhiệt độ, tưới nước, bón phân, phun thuốc BVTV…

              Tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan  hiện nay đã có hệ thống nhà kính trồng  cây phát triển khá nhanh đặc biệt là ở Trung Quốc.

             Cùng với sự phát triển  của các khu NNCNC thì công nghệ trồng cây trong nhà kính cũng phát triển. Tuy nhiên, những mẫu nhà kính và hệ thống điều khiển các yếu tố trong nhà kính cũng có sự thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng, trong đó hệ thống điều khiển có thể tự động hoặc bán tự  động.

              * Công nghệ trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể

           Công nghệ trồng cây trong dung dịch đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và trở nên quen thuộc đối với các nhà vườn sử dụng hệ thống nhà kính.

           Trong những năm gần đây, một số nước như Thái Lan, Israel, Đài Loan đã phát triển mạnh công nghệ sản xuất rau sạch, trồng hoa để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu bằng công nghệ trồng cây không đất (soilless culture).

           Trong đó các kỹ thuật trồng cây thủy canh (hydroponics) dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng qua nước (fertigation), kỹ thuật khí canh (aeroponics) – dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng phun sương mù và kỹ thuật trồng cây trên giá thể - dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp ở dạng lỏng qua giá thể trơ.

            Kỹ thuật trồng cây trên giá thể (solid media culture) thực chất là biện pháp cải tiến của công nghệ trồng cây thủy canh. Vì giá thể này được làm từ những vật liệu trơ và cung cấp dung dịch dinh dưỡng để nuôi cây. Theo kỹ thuật này, giá thể thường dùng là sỏi nhỏ, đá sỏi núi lửa, tro trấu, xơ dừa đã xử lý tanin…

            Người ta có thể đưa giá thể vào trồng theo phương pháp túi treo, túi nằm,trồng trong chậu, theo rãnh …. Tất cả các cách này đều được cung cấp dung dịch dinh dưỡng qua hệ thống ống cấp và thu nước tuần hòan.

            * Công nghệ tưới

           Công nghệ này phát triển rất mạnh mẽ ở các nước cónền nông nghiệp phát triển, đặc biệt ở các nước mà nguồn nước tưới đang trở nên là những vấn đề quan trọng chiến lược. Với việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có hệ thống điều áp, có thể sử dụng trên những địa hình khác nhau làm cho việc tưới nước trở nên đơn giản và thuận tiện hơn. Thông thường hệ thống tưới nhỏ giọt được gắn với bộ điều khiển lưu lượng và cung cấp phân bón cho từng lọai cây trồng, nhờ đó tiết kiệm được nước và phân bón.

            Ixarel  là nước ứng dụng rất thành công và hiệu quả công nghệ tưới phục vụ cho  canh tác nông nghiệp cũng như trong hệ thống nhà kính, nhà lưới.

 

       II/Nông nghiệp công nghệ cao tại Việt nam, các lọai hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

                Ở nước ta, các cơ quan nghiên cứu như (Viện, Trường, Trung tâm…) trong thời gian qua đã nghiên cứu, hoàn thiện nhiều quy trình tiến bộ kỷ thuật, công nhận hàng chục giống rau, hoa, cây ăn trái, cây công nghiệp, giống vật nuôi…bước đầu đã có những kết quả ứng dụng trong sản xuất. Nhiều công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới  ứng dụng trong sản xuất đã làm cho năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên đáng kể góp phần giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giãm nghèo một cách hiệu quả. Nhiều địa phương đã  xây dựng những  mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các lọai hình nông nghiệp công nghệ cao ở Việt nam hiện nay có thể chia ra như sau:

         1/  Các khu NNCNC

               Các mô hình này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, hiện nay  chỉ có ở một số tỉnh thành phố đi tiên phong như: TP. Hồ Chí Minh, Hà nội, Hải phòng, Lâm Đồng, Vĩnh phúc … Đặc điểm của lọai mô hình này là Nhà nước quy họach thành khu tập trung với quy mô từ 100 ha trở lên. Tiến hành thiết kế quy họach phân khu chức năng theo hướng liên hòan từ nghiên cứu, sản xuất, chế biến, giới thiệu sản phẩm. Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ: giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường … đến từng phân khu chức năng, quy định các tiêu chuẩn công nghệ và các  lọai sản phẩm được ưu tiên phát triển trong khu NNCNC. Các tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được quyền đăng ký và đầu tư vào khu để phát triển sản phẩm.

            + TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên xây dựng khu NNCNC theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ với việc tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái đồng thời thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Quy mô diện tích là 88 ha được Thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Mô hình tổ chức quản lý của khu NNCNC dự kiến giai đọan đầu là đơn vị sự nghiệp có thu, tự túc một phần kinh phí họat động. Sau vài năm đi vào họat động có hiệu quả sẽ chuyển sang mô hình quản lý mới là doanh nghiệp, có thể là công ty cổ phần bao gồm các nhà đầu tư đang sản xuất trong Khu.  Qua hoạt động  đã có nhiều ý kiến cho rằng “Chỉ có chuyển sang hình thức doanh nghiệp với sự tự chủ về tài chính sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Khu NNCNC đầu tư vào chiều sâu và ngày càng năng động hơn trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ”.

            Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đã có  668,2 ha canh tác hoa, cây cảnh trong đó Mai vàng chiếm tỷ lệ lớn nhất; hoa lan 64,3 ha đây là chũng loại hoa mới phát triển nhưng đem lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.

           + Tỉnh Lâm đồng đang triển khai dự án quy họach khu NNCNC tại huyện Lạc Dương với quy mô 300 ha. Các sản phẩm đựơc lựa chọn để phát triển trong khu quy họach này là nhân giống các lọai cây trồng có gía trị kinh tế cao bằng công nghệ cấy mô thực vật, sản xuất cây giống sạch bệnh, sản  xuất rau hoa cao cấp, nấm dược liệu….

         Ưu điểm của lọai hình này: Đảm bảo được tính đồng bộ liên hòan từ  khâu nghiên cứu đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất trong Khu có sản lượng hàng hóa tập trung, kiểm sóat được  tiêu chuẩn, chất lượng nông sản, giảm được chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng  trên một đơn vị diện tích. Được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà  nước về thuê đất, thuế….

         Hạn chế: Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu lớn nên khả năng thu hồi vốn chậm, không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi khỏang không gian cách ly lớn. Các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư vào Khu.

           2- Các mô hình sản xuất nông nghiệp Công Nghệ Cao

         *  Trong  lĩnh vực  cây trồng

         Các mô hình thông thường do một doanh nghiệp đầu tư, quy mô tùy theo khả năng đầu tư vốn và sản phẩm của mô hình là sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp.  

        Ví dụ :-  Như ở TP. Hồ Chí Minh, Công ty Liên doanh hạt giống Đông Tây đã đầu tư trại sản xuất hạt giống rau với việc nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt giống lai F1 cùng với việc đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, xưởng chế biến hạt giống phục vụ cho công tác nghiên cứu, lai tạo và chế biến hạt giống đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

                    -  Tại Lâm Đồng Công ty Dalat Hasfarm sản xuất các lọai hoa ôn đới cao cấp. Sản phẩm chính là hoa cắt cành, bao gồm hoa hồng, lily, cúc đơn, cúc chùm, cẩm chướng đơn, cẩm chướng chùm, đồng tiền, baby, sao tím, salem và các loại lá trang trí, hoa trồng chậu. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, thông qua mạng lưới phân phối vững chắc và rộng khắp, Dalat Hasfarm còn  xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapo,  Thái Lan, Đài Loan, Campuchia…...  Hiện nay công ty có 3 trang trại tại Đà Lạt, Đa Quí và Đơn Dương rộng hơn  250 ha, trong đó có hơn 41 ha nhà kính, nằm ở độ cao từ 1.000- 1.500 m so với mực nước biển, nên các chủng loại hoa được sản xuất quanh năm với chất lượng cao. Các loại hoa được trồng trong nhà kính ở Đà Lạt với công nghệ hiện đại và theo quy trình hết sức nghiêm ngặt ( từ diện tích kho lạnh 600m2 có đầy đủ trang thiết bị để giữ hoa tốt nhất, đến quy trình đóng gói, bảo quản và vận chuyển liên hoàn). Công ty đã thực hiện việc trồng hoa trong nhà kính giúp ngăn ngừa được mưa gió, côn trùng, sâu bọ. Cấu trúc nhà kính rất dễ dàng để cài đặt hệ thống cơ giới hóa, giúp tạo điều kiện tốt  nhất cho cây trồng phát triển…

         - Mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh Lâm đồng với diện tích 600 ha được sản xuất theo 2 dạng là công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới không sử dụng phân bón, nông dược vô cơ và cách ly trong nhà lưới có sử dụng  giới hạn nông dược vô cơ thu hút nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất và ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa.

         - Tỉnh Vĩnh phúc xây dựng Mô hình trồng nấm với  hơn 100 trang trại tham gia, sản lượng đạt 500 tạ/năm, mô hình 130 ha rau an toàn (với công thức 5 cấm trong rau sạch và 3 chỉ tiêu an toàn ) cho  sản lượng  25.000 tấn/năm, mô hình trồng hoa  tại huyện Mê linh có 1000 ha  chuyên sản xuất hoa cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đã áp dụng các công nghệ mới gồm tạo giống tốt, nhà lưới, vườn uơm, kho mát bảo quản đóng gói.   

         - Ngoài ra, còn có các mô hình khác do một số doanh nghiệp đầu tư như mô hình sản xuất rau hoa CNC của Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp CNC Hải phòng với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel …..

      *  Trong  lĩnh vực chăn nuôi :

     Ví dụ  như :  Tại thành phố Hồ chí Minh Công ty Bò sữa  đã đầu tư  mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung  ứng dụng công nghệ cao với hệ thống chuồng trại khá hoàn chỉnh, có hệ thống phun sương , chuồng ép 50% tự động để thụ tinh nhân tạo, khám thai, điều trị phẩu thuật, xây dựng  thâm canh 300 ha đồng cỏ , 4 hố ủ chua có sức chứa 3000 tấn thức ăn/hố . 

        Trong chăn nuôi heo ngoài các  trang trại tư nhân với quy mô 150-500 nái đẻ và 3000 heo thịt.Tại thành phố  Xí nghiệp heo giống cấp 1 thành phố Hồ chí Minh đã đầu tư  mô hình và quản lý chăn nuôi heo theo phương thức “cùng vào - cùng ra” với hệ thống chuồng kín, tự động cho ăn theo định lượng.

        Hiện nay tại các tỉnh  Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng đã có nhiều trang trại  chăn nuôi heo , gà với quy mô vừa và lớn áp dụng Công nghệ khép kín khá hiện đại

       Tại Bà rịa –Vũng tàu Trung tâm Khuyến nông năm 2011 đã xây dựng Mô hình  trại chăn nuôi gà giống, trại gà đẻ của  Trung tâm với quy mô 25.000 con được nuôi trong môi trường sạch và mức độ tự động hóa ( >98%) trong các khâu chăm sóc nuôi dưỡng.

         Nhìn chung các mô hình chăn nuôi tập trung và ứng dụng công nghệ cao là hình thức chuyễn dịch cơ cấu và chuyển dịch cấu trúc trong bản thân ngành chăn nuôi.

       Về ưu điểm: Lọai hình này có quy mô đầu tư phù hợp với khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Sự họat động mang tính độc lập và tự chủ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh định hướng sản phẩm linh họat theo yêu cầu của thị trường và khả năng đầu tư vốn của doanh nghiệp.

           * Như vậy ở tại Việt  Nam sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trong lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản) đã dần hình thành  tại nhiều khu vực và được sự quan tâm đầu tư của nhiều địa phương và doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Quá trình hình thành, hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện những mô hình có giá trị kinh tế và thu nhập cao đồng thời cũng lộ ra nhiều những mặt hạn chế bất cập trong (quản lý điều hành, đầu tư, mua- bán ,sử dụng công nghệ, giống)….. đòi hỏi phải có những tỗng kết đánh giá rút kinh nghiệm từ thực tiển.  

        III/ Hiện trạng sản xuất Nông nghiệp Tại tỉnh Đắk Lắk

       Tại tỉnh Đắk Lắk Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được triển khai rộng rãi ở các huyện - thị, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới, chuyển dịch mùa vụ, biện pháp canh tác mới, đầu tư thâm canh chiều sâu, quản lý nguồn nước, dịch bệnh đã làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, được các doanh nghiệp và các hộ nông dân tích cực đầu tư phát triển sản xuất, làm cho nông nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường, trình độ sản xuất trong nông nghiệp đã được nâng lên, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên mạnh mẽ. Ví dụ: Năng suất lúa bình quân của tỉnh  từ 41,19 tạ/ha vào năm 2005 tăng lên 56,3 tạ/ha trong năm 2010; năng suất ngô  từ 55,7 tạ/ha tăng lên 53,6 tạ/ha. Lần đầu tiên sản lượng lương thực có hạt của tỉnh năm 2010 đạt trên 1 triệu tấn: (449.275 tấn lúa, 611.546 tấn ngô), giải quyết được cơ bản vấn đề an ninh lương thực có ý nghĩa quan trọng mở đường cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.

          Đến năm 2010 diện tích, sản lượng cây công nghiệp cũng tăng đáng kể: Diện tích Cà phê 190.765 ha, sản lượng đạt 399.098 tấn; cao su 30.289 ha sản lượng đạt 29.728 tấn mủ khô; tiêu 5.533 ha, sản lượng 12.816 tấn…. Sản lượng cà phê, cao su, mía, ong mật tăng đã góp phần quan trọng cho công nghiệp chế biến cà phê, cao su, mía, ong mật phát triển tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu cho tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 620 triệu USD, đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn trên 910 triệu USD.

          Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, toàn tỉnh hiện có 33.200 con trâu, 191.100 con bò, tỷ lệ bò lai chiếm 23% tổng đàn, đàn lợn có 658.000 con trong đó có 575.574 lợn thịt, đàn gia cầm có 7.169.500 con gồm 4.533.067gà thịt, 583.503 gà đẻ lấy trứng và 797.378 con vịt, vịt đẻ là 267.274 con. Giá trị sản xuất  ngành chăn nuôi năm 2010 ước đạt 5.220,38 tỷ đồng (giá hiện hành)

         Về Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 là 7.343 ha sản lượng đạt 9.460,4 tấn. Giá trị sản xuất của ngành thủy sản năm 2010 gấp 2,64 lần so với năm 2005.

          Không phủ nhận sự đóng góp của các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học trong công tác giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, vật tư trang thiết bị vào trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua như: Viện khoa học kỷ thuật NLN Tây Nguyên, khoa NLN trường Đại học Tây Nguyên, Sở khoa học công nghệ Đắk lắk, các Công ty giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…. thì sự đóng góp của công tác khuyến nông cũng có một vai trò quan trọng trong áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất. Hoạt động khuyến nông đã chuyễn tải và đưa đến cơ sở những mô hình trình diễn áp dụng những tiến bộ của khoa học kỷ thuật, góp phần đáng kể trong việc tuyên truyền, nhân rộng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh bằng việc triển khai và trực tiếp tham gia tích cực vào các chương trình như: “ Chương trình đưa lúa lai vào vùng khó khăn về lương thực, chương trình trồng và thâm canh cà phê, sử dụng các chế phẩm sinh học hữu cơ trên đồng ruộng, chương trình ngô lai, chương trình phát triển cây ca cao, chương trình trồng rừng, chương trình trồng cỏ, chương trình cải tạo đàn bò, chương trình thụ tinh nhân tạo, chương trình khí sinh học (Biogar), chương trình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, chăn nuôi thủy sản , chương trình khuyến nông cơ giới hoá thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản …” cho nông dân.

  IV/   Nhận xét đánh giá và  đề xuất

      1. Nhận xét đánh giá

      Phải thừa nhận rằng trong thời gian qua tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk khá cao, nhưng sự tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản chủ yếu theo số lượng về diện tích, sản lượng; hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường. Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại thể hiện rõ nét như sau :

      + Tỉnh ĐắkLắk chưa có các khu nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn nhân lực trong lỉnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chúng ta chưa có nhiều và chưa được đào tạo cơ bản; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả

      + Các giống cây trồng, vật nuôi, nguyên vật liệu, vật tư nông nghiệp sử dụng  phục vụ sản xuất đa số chúng ta phải phụ thuộc và mua của những Công ty nước ngoài hay các Công ty liên doanh với giá khá cao nên giá thành sản xuất tăng cao;

      +  Đất đai để sản xuất nông nghiệp chủ yếu là của nông dân, phần lớn diện tích còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa có nhiều những tổ chức hợp tác nông dân lớn, chưa có vùng chuyên canh sản xuất để cung cấp một khối lượng nông sản lớn nên việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra còn thấp;

       +  Dịch bệnh của cây trồng và vật nuôi tại địa bàn thời gian qua luôn diển biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến người sản xuất; thực trạng Các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm làm ra có giá bán không cao nên chưa kích thích được sản xuất phát triển.

          2. Đề xuất

             Mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tư khoa học công nghệ để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu quả vả chất lượng cao. Thực hiện tốt nhất sự phối hợp giữa con người và tài nguyên, làm cho ưu thế của nguồn tài nguyên đạt hiệu quả lớn nhất, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường.

             Để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững hình thành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, khắc phục những tồn tại yếu kém hiện nay. Chúng ta cần phải có những sự đầu tư thích đáng để tạo ra bước đột phá trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm để sớm nhân rộng và ứng dụng những tiến bộ kỷ thuật tiên tiến vào trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương với những thế mạnh về tài nguyên đất đai và những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, làm tiền đề cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

        Trong những năm sắp đến ( 2012-2015 ) tỉnh Đắk Lắk cần phải đầu tư cho quy hoạch và xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có khả năng về chuyên môn giỏi để làm nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thủy sản; phát triển mạnh các cây con chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành hệ thống sản xuất giống với sự tham gia hợp lý của các thành phần kinh tế. Gắn nghiên cứu với ứng dụng và chuyễn giao công nghệ, gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ. Hoàn thiện các quy trình kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế và bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng cao. Đầu tư thỏa đáng cho công tác khuyến nông nhằm tăng cường hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu với cơ sở sản xuất để ứng dụng và chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất.Ngô Nhân.

Ngô Nhân

TIN NỔI BẬT