• Tìm chúng tôi trên

Ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng

02/01/2017 22:12:19 GMT+7

Với hệ thống chính sách khuyến khích ngày càng được hoàn thiện cùng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ những năm 1990, Lâm Đồng đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những đột phá phát triển; nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa, cá nước lạnh…

Toàn tỉnh hiện có trên 39.237 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15% diện tích đất canh tác. Trong đó có 14.063 ha rau, hoa, cây đặc sản, 5.635 ha chè, 15.335 ha cà phê, 3.585 ha lúa.

Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy định khá đầy đủ, toàn diện, từ đất đai, hạ tầng đến tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển thị trường…

Theo xu thế phát triển, nhu cầu của thị trường ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu. Với hệ thống chính sách hỗ trợ, kinh nghiệm và điều kiện khí hậu thuận lợi, Lâm Đồng đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Trong phong trào thi đua phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới đã hình thành các làng nghề, tổ hợp tác sản xuất và các mô hình sản xuất hiệu quả, như làng trồng nấm ở huyện Đức Trọng với 500 hộ tham gia; các làng trồng rau tại huyện Đơn Dương, các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại nhiều địa phương trong tỉnh; cùng với việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng lên gần 35 nghìn héc-ta, giá trị sản xuất đạt 120 triệu đồng trên một héc-ta.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, các phong trào thi đua thực sự là động lực cách mạng, góp phần giúp địa phương đạt được những thành tích quan trọng, KT-XH tiếp tục phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm… vì mục tiêu đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.Theo Infonet.vn

TIN NỔI BẬT