• Tìm chúng tôi trên

Giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

27/07/2017 16:04:56 GMT+7

Với mục đích thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” tại huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk

Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là khu vực rộng lớn có điều kiện sinh thái phù hợp với phát triển chăn nuôi nhiều loại hình gia súc, gia cầm khác nhau. Trong những năm qua, đàn vật nuôi tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, với năng lực quản trị, sản xuất ngày càng nâng cao. Tuy nhiên chăn nuôi của khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế kìm hãm sự phát triển của vùng như mùa khô kéo dài sáu tháng, thiếu nước uống, hạn hán gay gắt, thiếu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi, tập quán canh tác còn lạc hậu, thiên về chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên, trình độ quản trị trong chăn nuôi còn hạn chế, chuỗi giá trị còn ngắn nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Với mục đích thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhằm giải quyết được những vấn đề khó khăn vướng mắc và đề ra được các giải pháp thiết thực trong phát triển chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” tại huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk

 

DSC_0210.jpg

TS. Trần Văn Khởi – Giám đốc TTKNQG phát biểu khai mạc diễn đàn

Diễn đàn đã  thu hút được sự tham gia của  410 đại biểu trong đó hơn 300 đại biểu là những  nông dân đến từ 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên và đại biểu đến từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu (Viện, trường Đại học Tây nguyên), các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trên toàn tỉnh, doanh nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng

Nằm trong khuôn khổ chương trình của Diễn đàn có các nội dung tổ chức tham quan mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò – điểm sáng trong phong trào nông dân liên kết phát triển sản xuất và mô hình trang trại chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar và gian hàng trưng bày các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh của địa phương cũng như các công nghệ phục vụ cho ngành chăn nuôi. 

DSC_0097.jpg

DSC_0111.JPG

Các đại biểu và bà con nông dân tham quan mô hình trang trại heo an toàn dịch bệnh tại xã Ea Kmút – huyện Ea Kar

Tại diễn đàn, bà con nông dân, các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý,  chính quyền địa phương  và các doanh nghiệp có cơ hội được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bằng hình thức hỏi – đáp trực tiếp, ban cố vấn và ban chủ tọa  đã giải đáp hơn 40 câu hỏi và thắc mắc của bà con nông dân liên quan đến các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, của quốc gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững, các  ý kiến giải đáp, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi, các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi cũng như những định hướng phát triển ngành chăn nuôi của địa phương và của cả nước nói chung. Diễn đàn đã đạt được mục tiêu đề ra cả về quy mô và chất lượng

DSC_0170.JPG

Gian hàng trưng bày các giống bò nhập ngoại của Công ty Thắng Mỹ, huyện Ea Kar

Để phát triển ngành chăn nuôi các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên một cách bền vững, tận dụng được lợi thế sẵn có của vùng, thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và thống nhất một số giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững.

 Kết luận diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết các giải pháp cần thực hiện, đó là:

Một là đẩy mạnh việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào trong sản xuất  chăn nuôi đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về giống vật nuôi, thức ăn, phòng chống dịch bệnh, ứng dụng phương pháp sản xuất mới, phát triển các đối tượng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên để khai thác tốt các thế mạnh phát triển của vùng, hạn chế các khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, nông nghiệp theo quy mô vùng, sản xuất của  nông hộ cần  có sự liên kết để hình thành các tổ chức hợp tác xã, câu lạc bộ, doanh nghiêp để tạo ra vùng nguyên liệu, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu sản phẩm cho vùng và cho địa phương, phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để cung cấp thức ăn thô xanh, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thức ăn tinh ở quy mô hộ, nhóm…..

Giải pháp về chính sách: cần xây dựng chính sách đặc thù cho vùng Tây nguyên, đặc biệt hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ giúp đỡ để hình các tổ chức sản xuất của nông dân: câu lạc bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp, triển khai những chính sách đã ban hành như Nghị định 210/2013/ NĐ-CP  về ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị định 55/2015/ NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Về công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cung cấp cho nông dân những kỹ thuật công nghệ mới, phương thức sản xuất mới về thị trường, giá cả, an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Khuyến nông để xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn, truyền thông để nâng cao năng lực sản xuất của người nông dân, đặc biệt cần đổi mới công tác Khuyến nông theo hướng tăng cường, đổi mới nội dung cần tư vấn cho nông dân về nhiều mặt; kỹ thuật về tổ chức sản xuất, sản xuất hàng hóa, hạch toán kinh tế trong nông hộ, nhãn mác hàng hóa, thị trường, liên kết sản xuất….

Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn cho nông dân, đề xuất với ngành và địa phương những hoạt động chuyển giao thúc đẩy chăn nuôi của vùng như xây dựng mô hình, mở các lớp tập huấn phát triển sản xuất, hội nghị hội thảo đầu bờ, tham quan học tập, đề xuất các chương trình khuyến nông chăn nuôi phù hợp… Với  bà con nông dân tham gia diễn đàn cần chọn lọc ứng dụng các giải pháp phù hợp đã được giải đáp để áp dụng vào chăn nuôi một cách hiệu quả, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật, tích cực trao đổi giữa nông dân với nông dân; nông dân với doanh nghiệp; nông dân với các nhà khoa học…

Với tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm chăn nuôi cùng với sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao từ trung ương đến địa phương, trong điều kiện đứng trước nhiều rủi ro và thách thức như hiện nay, hy vọng trong tương lai ngành chăn nuôi của các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung sẽ ngày càng phát triển bền vững, sẽ có thêm nhiều sản phẩm chăn nuôi đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu,các thị trường khó tính và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

 Hoàng Liên

TIN NỔI BẬT