• Tìm chúng tôi trên

Cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong sản xuất cà phê vối để gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu qủa kinh tế

26/12/2023 14:48:21 GMT+7

Lần theo những thông tin được giới thiệu cà phê chất lượng cao trên mẫu mã gói “Cà phê Ông Giáo” vừa tham gia Phiên chợ @ Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm về vườn cà phê gần 7ha của anh Nguyễn An Sơn, tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 20 km để được ngắm những cây cà phê vối giống TRS1 mới hơn 3 năm tuổi (trồng tháng 7/2020) mà đã cao lớn với bộ lá xanh, dày, cành quả chi chít, hơn 95% số quả chín trên vườn, đang bắt đầu vào mùa thu hoạch.

Anh Sơn dự kiến năm nay năng suất ước đạt 5,5 tấn nhân/ha (cao hơn gần gấp đôi năng suất cà phê bình quân ước tính của địa phương, cùng với giá bán sản phẩm đã được các doanh nghiệp vào tận vườn đặt hàng (gấp rưỡi giá thị trường) thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều so với phương thức sản xuất truyền thống của nông dân cùng thời điểm.

Vườn cà phê anh Sơn chín đều chuẩn bị thu hoạch

Anh Sơn chia sẻ, để sản xuất được vườn cà phê hiệu quả như vậy phải có một quá trình cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước một cách rất khoa học. Vào tháng 2/2020 khi vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất thấp, anh Sơn quyết định nhổ bỏ, rà rễ, xử lý đất, kiểm tra điều kiện đất đáp ứng nhu cầu trồng lại, đến tháng 7/2020 bắt đầu trồng tái canh với phương thức sản xuất hoàn toàn khác trước kia. Thay vì đào hố trồng với mật độ theo qui trình chung là 1.111 cây/ha (3m x 3m) thì anh cho máy cày xới, đánh rãnh, xử lý đất, bón lót phân hữu cơ đầy đủ và trồng với mật độ gấp đôi là 2.200 cây/ha (3m x 1,5m). Nguồn phân hữu cơ được gia đình ủ từ vỏ cà phê cùng các chế phẩm sinh học theo qui trình nên vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cà phê vừa bổ sung hệ vi sinh vật làm tơi xốp đất để rễ cà phê phát triển, hấp thu dinh dưỡng cho cây.

Anh Sơn giới thiệu phương pháp cắt cành tạo hình để cây cà phê cho năng suất ổn định 

Anh giải thích ngày trước phải đào hố trồng cà phê với mục đích là chứa nước cho cây cà phê hấp thu dần sau khi tưới, còn ngày nay đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nên không phải đào hố sẽ giảm được công lao động. Hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê mỗi tuần tưới một lần kết hợp với bón phân hòa tan, không gây xói mòn lớp đất mặt, hạn chế việc lây lan sâu bệnh, hạn chế cỏ dại, đặc biệt là tiết kiệm nước trong mùa khô, tiết kiệm phân bón, cây cà phê được cung cấp dinh dưỡng thường xuyên, cân đối, đầy đủ. Nếu như trước đây, hệ thống ống tưới tiết kiệm được chôn lấp cố định dưới mặt đất khoảng 5cm - 7cm chạy dọc hai bên hàng cà phê, thì hiện nay anh Sơn cho ống chạy nổi trên mặt đất và dễ dàng xê dịch ống nước xa dần gốc cà phê theo độ phát triển ăn ra dần của bộ rễ cà phê. Tuổi thọ của hệ thống tưới tiết kiệm lên đến mười mấy năm, giảm công lao động rất nhiều, qua tính toán khấu hao thì rất lợi nhuận. Với mật độ cây trồng dày gấp đôi, nhưng kết hợp kỹ thuật tạo hình một cách khoa học, cây vẫn đủ ánh sáng để quang hợp hấp thu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây qua từng giai đoạn nên gia tăng năng suất. Mà một khi cây sinh trưởng và phát triển khỏe thì kháng được sâu bệnh hại, theo đó hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, gia tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, môi sinh. Khi vườn cà phê đúng độ chín, (tỷ lệ chín hơn 95%) thì gia đình mới thu hoạch và bảo quản tốt. Ngoài ra, khi cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, bộ lá xanh dày đến cuối vụ, chín tập trung vào mùa khô Tây Nguyên, dễ thu hái, dễ phơi và sơ chế, hạn chế thất thoát trong thu hoạch. Theo đó hạt cà phê đủ dinh dưỡng hơn, cho chất lượng cao hơn, năng suất hơn. Đặc biệt mùa thu hoạch muộn hơn cũng sẽ giảm áp lực về nguồn nhân công trong mùa vụ thu hái. Sau khi thu xong anh Sơn dùng máy tách những quả xanh còn xót lại ra khỏi sản phẩm và tiến hành các công đoạn chế biến ướt để tăng chất lượng cà phê, nhiều đơn vị thu mua cà phê chất lượng đã thăm vườn và đặt hàng từ đầu nên không sợ sản phẩm cà phê ùn ứ.

Anh Sơn cho biết, cà phê vẫn luôn là cây trồng chủ lực, không khó chăm sóc khi cải tiến kỹ thuật để gia tăng năng suất, chất lượng. Một khi sản phẩm đạt chất lượng cao thì không lo về thị trường đầu ra, theo đó hiệu qủa kinh tế cũng rất cao bởi lẽ đây là loại cây trồng “Thương hiệu của thủ phủ cà phê Đắk Lắk”. Anh Sơn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng trong sản xuất cà phê chất lượng để cùng phát triển các vùng nguyên liệu cà phê kết nối đầu ra, cùng nhau góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cẩm Lai

Trạm KN TP.Buôn Ma Thuột

 

TIN NỔI BẬT