• Tìm chúng tôi trên

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng MH về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC” tại tỉnh Đắk Lắk

02/01/2024 10:52:38 GMT+7

Triển khai thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên, ngày 22/12/2023, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Đồng chủ trì buổi hội thảo có ông Đỗ Danh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk và ông Lâm Vỹ Nguyên, Trưởng phòng QLKH-HTQT, Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có khoảng 80 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, phòng Nông nghiệp/phòng kinh tế các huyện (thành phố, thị xã) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tỉnh vùng Tây Nguyên.

Ông Lâm Vỹ Nguyên, Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc

Với mục đích nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; Giới thiệu một số giống cây trồng, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi đồng thời thảo luận và xây dựng phương hướng chuyển giao các mô hình cho hộ nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung. Hội thảo sẽ là cơ sở để triển khai thực hiện các mô hình cụ thể tại các tỉnh vùng Tây Nguyên trong năm 2024 và 2025.

Tại hội thảo, đại biểu tham dự được chia sẻ 01 báo cáo tham luận mở đầu và 07 báo cáo khoa học do lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, cán bộ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khanh Thịnh, Công ty Cổ phần VINO trình bày trực tiếp.

Ông Đỗ Danh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk báo cáo đề dẫn

Các báo cáo từ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã giới thiệu (1) Các ứng dụng của công nghệ vi sinh đối với nông nghiệp nói chung và trong quản lý bệnh hại cây trồng nói riêng, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Lắk như cà phê, sầu riêng, tiêu, điều,… Những loại cây trồng này đều là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ nhà nông đã lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tận dụng triệt để nguồn tài nguyên đất, nước,… để chạy theo năng suất và sản lượng làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối và mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, đi ngược lại với chủ trương hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững của Nhà nước. Chính vì vậy, xu hướng hiện nay là cần quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ thông qua việc ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học. Thực tế thời gian qua đã chứng minh, vi sinh vật có những vai trò và tác dụng rất lớn cho ngành trồng trọt với những ưu điểm vượt trội như: giúp cân bằng hệ sinh thái trong đất nói riêng và môi trường nói chung; cải thiện môi trường lý, hóa, sinh của đất, góp phần tăng độ phì nhiêu và gia tăng hiệu quả sử dụng phân khoáng; giúp lưu trữ chất dinh dưỡng góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng; kiểm soát từ đầu các tác nhân gây bệnh cho cây có trong đất; góp phần tăng sức đề kháng, tăng sức chống chịu cho cây trồng khi gặp những điều kiện bất lợi; có khả năng phân hủy, chuyển hóa các phế thải nông nghiệp, góp phần làm sạch môi trường. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, Trung tâm Công nghệ Sinh học sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu và nhân rộng mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu thành công và sản xuất - thương mại hóa nhằm góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững tại tỉnh. (2) Kết quả nghiên cứu chitosan khối lượng phân tử thấp bằng phương pháp chiếu xạ kết hợp xử lý H2O2 - một cách thức an toàn nhằm bảo quản nông sản, cụ thể là trên đối tượng quả xoài tươi. Từ lâu, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là vấn đề khiến nhà sản xuất và người tiêu dùng phải quan tâm. Nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các hoá chất để kéo dài thời gian bản quản nông sản, giảm thiểu tổn thất lương thực, thực phẩm sau thu hoạch song song việc không được ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, công tác nghiên cứu các phương pháp bảo quản nông sản vẫn được duy trì liên tục. Các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu và chế tạo ra chitosan khối lượng phân tử thấp nhằm ứng dụng trong việc duy trì thời gian tươi lâu hơn, đồng thời giúp làm giảm hiện tượng bị thâm đen, giảm giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế của quả xoài tươi. Đặc biệt, đây là sản phẩm có khả năng tự phân huỷ sinh học tự nhiên và không có sự thẩm thấu vào bên trong sản phẩm theo thời gian nên đảm bảo tiêu chí không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. (3) Tây Nguyên là khu vực có nhiều sông suối, ghềnh thác lớn. Nguồn nước trong sạch, dồi dào là môi trường sống của nhiều loài thủy sản, trong đó có các loài cá tự nhiên bản địa quý hiếm như cá rô cờ, có mõm trâu, cá lăng nha đuôi đỏ, cá đá Sông Ba, cá Sọc dưa. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác thủy lợi, thủy điện cũng làm ảnh hưởng đến các bãi đẻ tự nhiên hay sự tàn phá những cánh rừng đầu nguồn làm thay đổi dòng chảy và môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đến tập tính sinh sản của cá. Vì vậy, sự phân bố của các loài cá này có nhiều thay đổi cộng với việc khai thác quá mức cá bằng các ngư cụ huỷ diệt cũng ảnh hưởng đến việc sinh sống và tồn tại của những giống cá bản địa quý này. Thực trạng này đặt ra vấn đề cần phải tiến hành các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài cá quý hiếm của Tây Nguyên. Việc nghiên cứu và nhân giống thành công các giống cá bản địa quý hiếm sẽ mở ra hy vọng nhân rộng tổng đàn các loài cá quý trong môi trường tự nhiên và xa hơn là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề nuôi cá bản địa đặc sản.

Báo cáo viên trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khanh Thịnh đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự hội thảo Mô hình tưới tự động Netafim (Israel). Đây đang là xu hướng và lựa chọn hàng đầu cho nền nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam bởi chi phí đầu tư một lần, giúp tăng năng suất của mùa vụ, tiết kiệm phân bón, nước tưới mà thời gian sử dụng của thiết bị kéo dài 5 - 10 năm. Công nghệ tưới tự động Netafim hiện nay do công ty cung cấp gồm có các quy cách: công nghệ tưới tự động tiết kiệm nước kiểu phun sương, kiểu nhỏ giọt, kiểu phun mưa phù hợp với đa dạng các loại cây rau, hoa; Công ty Cổ phần VINO cũng đã giới thiệu các kết quả trong hoạt động nghiên cứu lưu trữ hạt phấn, định danh mẫu bệnh, và chọn tạo giống các giống rau, củ chất lượng cao (bí đao, khổ qua, dưa leo, bí đỏ, súp lơ,…).

Bên cạnh các kết quả nghiên cứu, sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm thương mại hóa của Trung tâm Công nghệ Sinh học giới thiệu, các đại biểu đã tập trung thảo luận thêm một số vấn đề như biện pháp phòng chống và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu; phương pháp sử dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học chứa nấm Trichoderma khi sử dụng song song hai dòng sản phẩm này; phân biệt vi sinh vật cố định đạm và vi khuẩn, tuyến trùng gây bệnh ở các cây họ Đậu,...

Thông qua Hội thảo, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất đề xuất một số nội dung hợp tác tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới gồm: (1)Nghiên cứu đề xuất công tác bảo tồn và nhân giống các loài cá bản địa quý hiếm tại tỉnh Đắk Lắk như cá rô cờ, có mõm trâu, cá lăng nha đuôi đỏ, cá đá Sông Ba, cá Sọc dưa. (2)Thử nghiệm việc bảo quản xoài tươi sử dụng chế phẩm sinh học chitosan khối lượng phân tử thấp. (3)Hỗ trợ chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học hạn chế phát sinh mùi hôi, trong phòng trừ bệnh cây trồng, canh tác rau, phòng ngừa bệnh thán thư, thối rễ, lở cổ rễ trên ớt./.

Đinh Mai

 

TIN NỔI BẬT