• Tìm chúng tôi trên

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan, học tập tại tỉnh Đắk Lắk

07/03/2024 17:04:57 GMT+7

Ngày 07/3/2024, Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm việc và tham quan học tập một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Kế hoạch Khuyến nông thường xuyên năm 2024, từ ngày 07/3 đến ngày11/3/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tổ chức đoàn khảo sát học tập mô hình khuyến nông tiêu biểu cho một số sản phẩm chủ lực tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Đoàn công tác của TTKNQG sẽ làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản (TTKN - GCTVN&TS) và tham quan, học tập các mô hình khuyến nông về nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; mô hình nông nghiệp sản xuất hữu cơ, theo chuỗi giá trị…

Ngày 07/3, trong khuôn khổ chuyến công tác, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản đã hướng dẫn đoàn tham quan, học tập Mô hình thâm canh cây mít theo tiêu chuẩn VietGAP - Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên” tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

          Đoàn công tác tham quan, học tập tại Mô hình thâm canh cây mít theo tiêu chuẩn VietGAP – huyện Buôn Đôn 

Tại Mô hình thâm canh cây mít theo tiêu chuẩn VietGAP, đoàn đã được TTKN - GCTVN&TS trao đổi một số kinh nghiệm trong quá trình tổ chức xây dựng mô hình và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Anh Tuấn - hộ tham gia mô hình tiêu biểu đã trực tiếp chia sẻ về việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế mà còn sản xuất ra sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm tác động tới môi trường hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm

Xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn là địa phương có điều kiện tự nhiên không thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh (cà phê, sầu riêng,...) nên ông Tuấn vận động các hộ tại địa phương trồng cây mít và thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Ea Wer nhằm tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau 02 năm thực hiện mô hình so với sản xuất truyền thống: Năng suất mô hình cao hơn >12% và đạt >40 tấn/ha; hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn >35% và lợi nhuận mang lại cho người sản xuất sau khi trừ chi phí là >200.000.000 đồng/ha. Qua trao đổi đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức, triển khai thực hiện và tìm giải pháp cho những khó khăn đặc thù của địa phương.

Nguyễn Nữ

 

TIN NỔI BẬT